Núi lửa tại Iceland đang phun trào mạnh hơn, đúng lúc châu Âu bắt đầu nới lỏng lệnh cấm bay sau gần một tuần đóng cửa không phận.
Du khách vật vạ tại khu chờ lên máy bay ở Charles-de-Gaulle ( 16/04). Ảnh: AFP
Cơ quan điều khiển không lưu Anh ngày 20/4 thông báo một đám mây tro bụi mới đang di chuyển tới nước này. “Thông tin mới nhất cho thấy tình hình đang trở nên tồi tệ hơn tại một số khu vực”, Cơ quan Hàng không quốc gia Anh thông báo.
Theo CNN, dung nham chảy tràn ra sườn núi hôm qua, nhưng không tới mặt đất và đám mây bụi khá lớn.
Eurocontrol, cơ quan kiểm soát không lưu của Liên minh châu Âu, cho biết 8.700 chuyến bay đã được thực hiện trên không phận châu Âu hôm qua. Trong điều kiện bình thường sẽ có khoảng 28.000 chuyến.
Các quan chức của Liên minh châu Âu thông báo các nước sẽ lập những vùng cấm bay dựa trên dự báo của Trung tâm tư vấn bụi núi lửa. Các phi cơ sẽ chỉ được phép bay bên ngoài những vùng cấm bay.
Giới chức Phần Lan thông báo một số máy bay chiến đấu F-18 của họ đã tập luyện vào ngày 15/4 ở phía bắc đất nước. Khi các máy bay hạ cánh người ta phát hiện bụi nóng chảy do nhiệt độ cao trong buồng đốt của động cơ máy bay. Bụi nóng chảy có thể chặn luồng khí làm mát động cơ, khiến động cơ trở nên quá nóng và hỏng.
Diego Lopez Garrido, quan chức Tây Ban Nha phụ trách các vấn đề của EU, nói rằng các chuyến bay thử nghiệm cho thấy bụi núi lửa tại Iceland không tác động tới các chuyến bay trên không phận châu Âu.
Ngày 18/4, hãng hàng không Anh British Airways cũng thực hiện bay thử. Phi cơ của họ không bị thiệt hại nào dù nó bay ở nhiều độ cao khác nhau.
“Kết quả phân tích của chúng tôi cùng với hoạt động bay thử của nhiều hãng hàng không khác cho thấy, lệnh cấm bay thực sự không cần thiết”, Willie Walsh, giám đốc điều hành của British Airways, phát biểu.
Cục Hàng không liên bang Mỹ lên tiếng ủng hộ việc EU nối lại các chuyến bay ở một số khu vực thuộc châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jose Manuel Barroso, thì ra lệnh thành lập một nhóm điều tra tác động của bụi núi lửa đối với nền kinh tế châu Âu và ngành công nghiệp hàng không.
Olivier Jankovec, Tổng giám đốc của tổ chức Airports Council International, thông báo các sân bay trên toàn thế giới lỗ 183 triệu USD kể từ khi lệnh cấm bay được ban bố và hơn 6,8 triệu hành khách mắc kẹt tại các sân bay.
Giovanni Bisignani, Tổng giám đốc của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, tuyên bố lệnh cấm bay khiến các hãng hàng không mất ít nhất 200 triệu USD mỗi ngày. Ông nhận định rằng nếu lệnh cấm vẫn tiếp tục được duy trì, một số hãng hàng không nhỏ và vừa có thể lâm nguy. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế chỉ trích các chính phủ châu Âu không thể hiện vai trò lãnh đạo trong nỗ lực xử lý lệnh cấm bay. |