Nhờ công nghệ biến đổi gene, loài cây vốn gây nhiều vấn đề sức khỏe đối với con người có thể trở thành nguồn cung cấp nhiên liệu sinh học cho các động cơ.
Theo AP, giáo sư Vyacheslav Andrianov, một chuyên gia về công nghệ sinh học của Đại học Thomas Jefferson, Mỹ khẳng định cây thuốc lá là "nhà máy năng lượng" vì nó có thể tạo ra dầu và đường với khối lượng lớn hơn hẳn mọi loại cây trồng khác. Ông và các cộng sự nhận thấy, nếu biến đổi gene của cây thuốc lá, lượng dầu mà nó tạo ra sẽ tăng thêm 20%. Người ta có thể dùng đường và dầu của cây thuốc lá để chế tạo xăng, dầu sinh học.
"Mọi cây thuốc lá đều là nguồn cung cấp nhiên liệu sinh học tiềm năng. Tôi biết các trang trại thuốc lá đang khốn đốn trong những năm vừa qua. Vì thế phát hiện này có thể là cơ hội cho nông dân trồng thuốc lá", Matt Hartwig, người phát ngôn của Hiệp hội Nhiên liệu thay thế, phát biểu.
Phải tới 5 năm nữa việc trồng cây thuốc lá biến đổi gene để sản xuất nhiên liệu sinh học mới có thể trở thành hiện thực, nhưng các trang trại thuốc lá đang tỏ ra quan tâm tới các cơ hội của họ, giáo sư Andrianov khẳng định.
Giới khoa học tin rằng việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây thuốc lá sẽ không đe dọa an ninh lương thực - điều mà người ta lo ngại đối với đậu nành, ngô, sắn và nhiều loại cây lương thực khác. Người ta cũng không đốt cây thuốc lá để cung cấp nhiên liệu cho phương tiện cơ giới. Thay vào đó các chuyên gia sẽ chỉ chiết suất các loại đường và dầu từ lá của cây.
Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, sản lượng thuốc lá đã giảm khoảng 1,5% trên toàn thế giới trong vòng 10 năm qua. Riêng tại Mỹ sản lượng giảm tới 39% trong cùng thời kỳ do chính phủ khuyến khích nông dân chuyển đổi sang những loại cây trồng khác. Có nhiều nguyên nhân khiến sản lượng cây thuốc lá giảm - như nhu cầu đối với thuốc lá điếu giảm, các mối lo ngại về sức khỏe, lệnh cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng ở nhiều nước và sự phản đối của dư luận xã hội đối với hành vi hút thuốc lá. |